KHI CHIẾN TRANH KẾT THÚC GIÁ CỔ PHIẾU LUÔN TĂNG LÊN

Đừng e ngại mua vì lo sợ chiến tranh

Những người có trí tưởng tượng phong phú đặc biệt thích cổ phiếu thường. Sức tưởng tượng của chúng ta thường bị tác động mạnh bởi sự khủng khiếp của chiến tranh trong thời hiện đại. Kết quả là mỗi lần những căng thẳng quốc tế dẫn đến mối đe dọa chiến tranh hay một cuộc chiến thật sự, thì cổ phiếu thường luôn phản ánh những điều đó. Đây là một hiện tượng tâm lý hầu như chẳng mấy liên quan đến vấn đề tài chính.

Bất cứ ai cũng cảm thấy kinh hoàng trước những tiếng la hét và nỗi đau mà các cuộc chiến tranh thảm khốc gây ra. Trong thời đại nguyên tử ngày nay, nỗi lo sợ của chúng ta về sự an toàn của mình và người thân ngày càng gia tăng. Nỗi lo lắng, chán ghét với tương lai mờ mịt phía trước có thể dẫn đến những đánh giá sai lệch về các yếu tố thuần kinh tế. Những nỗi lo sợ về sự phá hủy hàng loạt tài sản, tăng thuế để bổ sung công quỹ và những can thiệp của chính phủ vào kinh doanh… choáng ngợp cách chúng ta nghĩ về những vấn đề tài chính. Những người đầu tư trong trạng thái như vậy thậm chí còn dễ bỏ qua một số ảnh hưởng kinh tế căn bản.

Kết quả luôn giống nhau. Trong suốt thế kỷ XX, gần như bất cứ khi nào nổ ra các cuộc chiến tranh lớn ở bất cứ đâu, hay bất cứ khi nào Mỹ tham chiến, thì thị trường chứng khoán Mỹ luôn có xu hướng sụt giảm mạnh. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra vào tháng 9 năm 1939. Khi đó, sau một đợt tăng giá ngắn ngủi nhờ các hợp đồng chiến tranh béo bở khi Mỹ đang còn trung lập, thị trường lại nhanh chóng đi theo chu trình đi xuống điển hình, một chu trình mà vài tháng sau đã trở thành nỗi hoảng loạn khi ngày càng có nhiều thông tin về chiến thắng của phát xít Đức. Tuy nhiên, vào khi tất cả các cuộc chiến thật sự chấm dứt − bất kể là Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai hay cuộc Chiến tranh Triều Tiên − hầu hết các cổ phiếu đều bán ở mức cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi có bất cứ suy nghĩ hay dự đoán nào về chiến tranh. Hơn nữa, ít nhất là đến mười lần trong 20 năm qua, tin tức từ những cuộc khủng hoảng mang tầm quốc tế khác đã tạo ra mối đe dọa xảy ra đại chiến. Trong mọi trường hợp, cổ phiếu đều sụt giảm mạnh khi xuất hiện nỗi lo sợ nguy cơ chiến tranh và phục hồi nhanh chóng khi những nỗi lo sợ đó qua đi.

Những điều gì mà nhà đầu tư bỏ qua đã dẫn đến việc bán tống bán tháo cổ phiếu do lo sợ chiến tranh và do chiến tranh nổ ra, mặc dù sau khi chiến tranh kết thúc, hầu như giá cổ phiếu luôn tăng lên chứ không phải giảm xuống? Họ quên mất rằng giá cổ phiếu là các định giá thể hiện bằng tiền. Chiến tranh hiện đại luôn khiến các chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn mức có thể thu được từ các công dân nộp thuế khi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Hệ quả là lượng tiền tăng lên gấp bội nên các đơn vị tiền tệ riêng như đồng đô-la bị giảm giá trị so với trước. Phải mất một lượng đô-la lớn hơn để mua cùng một lượng cổ phiếu. Tất nhiên, đây cũng là một dạng thông thường của lạm phát.

Nói cách khác, chiến tranh luôn tác động xấu đến tiền. Bán cổ phiếu vào thời điểm có nguy cơ chiến tranh hay thời điểm cuộc chiến thật sự xảy ra để thu tiền mặt là một cách đầu tư hết sức ngốc nghếch. Trên thực tế, bạn chỉ nên làm ngược lại. Nếu nhà đầu tư chuẩn bị quyết định mua một loại cổ phiếu thường nào đó và nỗi lo sợ một cuộc chiến tranh tổng lực nổ ra làm sụt giá, anh ta nên làm ngơ tâm lý lo sợ lúc đó và cương quyết mua vào. Đây là thời điểm không nên sở hữu quá nhiều tiền mặt. Tuy nhiên, đây mới thật sự là vấn đề. Anh ta nên mua với tốc độ như thế nào? Cổ phiếu sẽ sụt giảm đến mức nào? Nếu như nhân tố làm giá giảm là nỗi lo sợ nguy cơ chiến tranh chứ không phải cuộc chiến thật sự xảy ra, thì không có cách nào để đoán biết. Nếu chiến tranh thật sự nổ ra thì giá chắc chắn sẽ còn xuống thấp (có thể là thấp hơn rất nhiều). Bởi vậy, nếu mới chỉ có nguy cơ chiến tranh thì việc cần làm là mua vào nhưng với tốc độ chậm dần lại và ở quy mô nhỏ. Còn nếu chiến tranh xảy ra, hãy tăng tốc độ mua lên đáng kể. Bạn chỉ cần chắc chắn là đang mua cổ phiếu của các công ty mà nhu cầu sản phẩm hoặc dịch vụ của họ vẫn tăng lên trong thời gian chiến tranh hay những công ty đó có thể điều chỉnh cơ sở vật chất cho phù hợp với sản xuất thời chiến. Nhờ có những dây chuyền sản xuất linh hoạt, ngày nay nếu chiến tranh xảy ra phần đa các công ty đều có thể đạt được tiêu chuẩn đó.

Có phải cổ phiếu thật sự trở nên có giá trị hơn trong thời gian chiến tranh, hay chỉ là đồng tiền mất giá? Điều đó còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, vào việc thắng hay bại. Trong chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hiện đại, đồng tiền và cổ phiếu của bên bại trận có thể trở nên hầu như hoặc hoàn toàn vô giá trị. Nói cách khác, kết quả thắng bại sẽ làm diễn biến trong giá trị thực của cổ phiếu thay đổi tùy theo từng cuộc chiến và bản thân từng loại cổ phiếu. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, khi hàng loạt khoản tiết kiệm khổng lồ trước chiến tranh của Anh và Pháp ồ ạt đổ vào Mỹ, hầu hết các cổ phiếu có khả năng tăng giá trị thực lên cao hơn cả khi giả sử đó là giai đoạn hòa bình. Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp không lặp lại. Nếu định giá theo đồng đô-la − hay giá trị thực của cổ phiếu − thì cổ phiếu của Mỹ trong cả Chiến tranh thứ nhất và Chiến tranh Triều Tiên rõ ràng không thể hấp dẫn đến thế nếu đó là vào thời bình. Bên cạnh những khoản thuế cắt cổ, thì rất nhiều nỗ lực đã bị đi chệch hướng khi chuyển từ những dòng sản phẩm sinh lợi cao trong thời bình, sang sản phẩm phục vụ quốc phòng có biên lợi nhuận rất thấp. Nếu công sức nghiên cứu đổ vào các dự án quốc phòng này được đầu tư vào những dòng sản thông thường thời bình, thì lợi nhuận của cổ đông có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều. Lý do để mua chứng khoán khi chiến tranh xảy ra hay khi có nỗi lo sợ nguy
cơ chiến tranh không phải là vì bản thân cuộc chiến đó lại có khả năng sinh lợi cho cổ đông Mỹ. Lý do chỉ là vì tiền đã giảm giá trị, dẫn đến giá cổ phiếu thể hiện bằng tiền luôn tăng lên.

                        TRÍCH CUỐN SÁCH: CỔ PHIẾU THƯỜNG LỢI NHUẬN PHI THƯỜNG CỦA PHILLIP A.FISHER

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

097 566 1281