TRÒ CHƠI THAO TÚNG GIÁ CỔ PHIẾU

“Trò chơi thao túng” vì trong thời kỳ hoàng kim nó đúng là một trò chơi cờ bạc rủi ro, thuần túy và đơn giản, là một giai đoạn trong cuộc giao tranh không bao giờ có hồi kết của Phố Wall giữa những người đầu cơ giá lên, muốn giá cổ phiếu tăng và những người đầu cơ giá hạ, muốn giá cổ phiếu giảm. Khi trò chơi thao túng diễn ra, phương pháp cơ bản của những người đầu cơ giá lên là mua cổ phiếu, dĩ nhiên và những người đầu cơ giá hạ sẽ bán cổ phiếu. Người đầu cơ giá hạ thông thường không sở hữu bất kỳ một cổ phiếu nào và anh ta có thể sử dụng một chiêu thông dụng đó là bán khống cổ phiếu. Khi bán khống, cổ phiếu được giao dịch là cổ phiếu mà người bán vay mượn từ một nhà môi giới (với một mức lãi phù hợp). Do các nhà môi giới chỉ là đại lý, không phải là người sở hữu trực tiếp nên nói cách khác, chính họ cũng phải đi vay mượn cổ phiếu. Họ làm việc này bằng cách tận dụng “nguồn cung cổ phiếu luân chuyển” được lưu thông cố định giữa các công ty đầu tư; đây là cổ phiếu mà các nhà đầu tư tư nhân để lại cho một nhà đầu tư khác với mục đích thương mại, hay cổ phiếu do các hãng bất động sản hoặc ủy thác sở hữu và đã được phát hành dưới một số điều kiện nhất định. Quan trọng nhất, nguồn cung cổ phiếu luân chuyển bao gồm tất cả cổ phiếu trong một công ty nhất định, sẵn có để giao dịch mua bán, không phải là loại cổ phiếu chỉ để cất trong két sắt hoặc giấu dưới chiếu. Mặc dù nguồn cung luôn thả nổi nhưng cũng luôn được theo dõi cẩn thận; ví dụ người bán khống, khi vay mượn hàng nghìn cổ phiếu từ người môi giới thì anh ta biết chắc rằng mình đã dính vào một món nợ. Tất cả những gì anh ta hy vọng là giá thị trường cổ phiếu sẽ giảm xuống để anh ta có thể mua hàng nghìn cổ phiếu mà anh ta đã vay với giá thấp, để anh ta có thể trả hết nợ và đút túi phần chênh lệch. Điều anh ta mạo hiểm đó là người cho vay có thể yêu cầu anh ta trả hàng nghìn cổ phiếu đã vay ngay lập lức khi giá thị trường lên cao. Một sự thật rõ ràng của Phố Wall mà anh ta thừa hiểu đó là: “Người nào bán cổ phiếu không thuộc sở hữu của anh ta thì hoặc phải mua lại những cổ phiếu đó, hoặc là vào tù.” Và vào thời kỳ có thể xảy ra nguy cơ thao túng, những người bán khống thường ngủ không yên giấc vì biết rằng mình đang làm việc với các đại lý mà không bao giờ biết được danh tính của người đã mua cổ phiếu của mình hoặc danh tính của người sở hữu cổ phiếu mà mình đã vay mượn.

Mặc dù đôi khi bị cho là công cụ của kẻ đầu cơ, bán khống vẫn được cho phép nhưng ở mức độ hạn chế tối đa trong các giao dịch chứng khoán trên cả nước. Nếu không bị trói buộc, bán khống là nước cờ đầu tiên trong trò chơi thao túng. Trò chơi bắt đầu khi một nhóm những người đầu cơ giá hạ tham gia một cuộc bán khống có tổ chức và tiếp tục cuộc chơi bằng cách lan truyền tin đồn rằng công ty đứng đằng sau cổ phiếu có nguy cơ sắp phá sản. Hành động này được gọi là cuộc đột kích của người đầu cơ giá hạ. Động thái đáp trả khó khăn, nhưng dĩ nhiên là mạo hiểm nhất của những người đầu cơ giá lên, là cố gắng lũng đoạn thị trường. Chỉ có loại cổ phiếu mà rất nhiều nhà đầu tư đang bán khống là loại có thể thao túng được; cổ phiếu mà những người đầu cơ giá hạ đang hướng tới là cổ phiếu lý tưởng. Đối với trường hợp sau, người thao túng sẽ cố gắng mua hết nguồn cung cổ phiếu trôi nổi của các nhà đầu tư và một lượng đủ cổ phiếu do tư nhân nắm giữ nhằm đóng băng các nhà đầu cơ giá hạ; nếu nỗ lực này thành công, khi anh ta kêu gọi những người bán khống trả lại những cổ phiếu mà họ đã vay mượn, họ không thể mua các cổ phiếu đó từ ai khác ngoài chính anh ta. Và những người bán khống mua cổ phiếu với bất kỳ giá nào mà anh ta đưa ra vì đó là sự lựa chọn duy nhất của họ; bởi về mặt lý thuyết, họ sẽ bị phá sản hoặc vào tù nếu không hoàn thành cam kết của mình.

Trong những ngày đấu tranh giữa sự sống và cái chết của ngành tài chính, những người thao túng xuất hiện khá nhiều và thường rất lạc quan với hàng trăm người vô can đứng ngoài cuộc quan sát cùng hàng trăm người chủ trò tham gia vào cuộc chơi, đứng mũi chịu sào. Người thao túng nổi tiếng nhất trong lịch sử là tên đạo chích già nổi tiếng Commodore Cornelius Vanderbilt, người từng thao túng thành công thị trường không dưới ba lần vào những năm 1860. Vụ thao túng kinh điển của ông ta là với cổ phiếu của công ty Đường sắt Harlem. Bằng cách vừa bí mật mua hết tất cả cổ phiếu có sẵn, vừa tung hàng loạt tin đồn không có thực về việc phá sản để nhử những người bán khống, ông ta đã tạo ra một cái bẫy không lối thoát. Cuối cùng, làm ra vẻ chìa bàn tay nhân từ ra giúp những kẻ bán khống khỏi cảnh tù tội, ông ta ra giá 179 đô-la cho một cổ phiếu mà trước đây ông ta mua với giá chỉ bằng vài phần trăm mức đó. Vụ thao túng kinh khủng nhất là vào năm 1901 tại thị trường Bắc Thái Bình Dương; để tăng lượng tiền mặt cần để chi trả cho những chứng khoán đã vay mượn, những người bán khống ở Bắc Thái Bình Dương đã bán ra rất nhiều các cổ phiếu khác tới mức gây ra cuộc khủng hoảng toàn quốc, kèm theo hậu quả chấn động trên toàn thế giới. Vụ thao túng áp chót diễn ra vào năm 1920, khi Allan A. Ryan, con trai của Thomas Fortune Ryan huyền thoại, quấy rối đối thủ của mình trong Sở chứng khoán New York, bằng cách thao túng cổ phiếu của công ty Stutz Motor, tác giả của chiếc Stutz Bearcat nổi tiếng. Ryan thành công và những người bán khống trên thị trường chứng khoán đã rơi vào khủng hoảng. Nhưng kết quả là gậy ông đập lưng ông, thị trường chứng khoán cho đình lại các hoạt động kinh doanh của Stutz, sau đó là quá trình kiện tụng kéo dài và cuối cùng, tình hình tài chính của Ryan rơi vào kiệt quệ.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

097 566 1281