ĐƯA TƯ DUY THOÁT KHỎI LỐI MÒN

Tâm lý học đám đông là một ngành nghiên cứu thú vị. Hãy xem xét các thái cực của chủ nghĩa lạc quan và chủ nghĩa bi quan trong công chúng, bạn sẽ thấy một đặc tính khác thường trong bản chất con người.

Khi các sự kiện kinh tế đang bùng nổ và “tất cả mọi người” đều cảm thấy hạnh phúc, lạc quan và thuận lợi, chẳng ai muốn nghe những lời cảnh báo hay tin xấu về cách mọi thứ đang diễn ra. Ai cũng muốn tận hưởng niềm lạc quan và không muốn một gáo nước lạnh dập tắt những suy nghĩ hân hoan của mình. Nếu ai đó ám chỉ rằng những đợt tăng giá và các thời kỳ lạc quan luôn phóng đại các dấu hiệu và mang đến những phản ứng khắc phục, người đó sẽ bị gọi là “đồ gở mồm”. Một cách nhã nhặn (hoặc không), anh ta sẽ được yêu cầu ngậm cái miệng bi quan đó lại. Đó là một bản tính của con người.

Ở một thời điểm khác, khi nền kinh tế đang suy thoái và rơi vào “thời kỳ đen tối”, tâm lý bi quan sẽ lên ngôi. Mọi người ao ước được tận hưởng tình cảnh cơ cực của mình. Họ không muốn vất bỏ gáo nước lạnh đi. Họ sẽ bước vào khung tâm trí cho phép họ tin mọi thứ đều đang tồi tệ. Không chỉ vậy, họ còn mong mọi thứ vẫn tiếp tục như vậy. 

Đó dường như đã là một đặc tính cố hữu của bản tính con người khi mọi người  (đám đông) luôn để tâm trí đi theo lối mòn của các xu hướng đang thịnh hành. Tư duy theo lối mòn là một đặc tính phổ biến. Tôi đã nói rằng nghệ thuật tư duy ngược dòng có thể được định nghĩa một cách đơn giản: đưa tư duy thoát khỏi lối mòn. Hãy là người bất tuân khi sử dụng trí tuệ của mình.

Người bất tuân biến rằng cuộc sống luôn có lúc thăng lúc trầm. Khi mọi thứ tốt đẹp, anh ta hiểu rằng phía trước sẽ có lúc mọi thứ đi xuống. Sau đó, người bất tuân nhận ra rằng việc dự đoán mức độ hay thời gian xảy ra những biến cố là bất khả thi. Do đó họ ít quan tâm đến “đỉnh” hay “đáy” chính xác — và cũng không cố đo lường chính xác tầm quan trọng của xu hướng đi lên hay đi xuống bởi họ biết không có thước đo nào đáng tin cậy.

Nếu muốn đưa triết lý này vào ứng dụng thực tế của nó, bạn sẽ phải thoải mái chia sẻ quan điểm của mình khi xu hướng đi lên đảo chiều thành đi xuống… và ngược lại.

Trích lược từ cuốn sách “Nghệ thuật tư duy ngược dòng” của tác giả Humphrey B. Neil

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

097 566 1281