CHU KỲ GIÁ THEO PHƯƠNG PHÁP CỦA WYCKOFF

Trong cấu trúc cơ bản của thị trường chỉ có hai loại giao dịch:

  • Xu Hướng: Xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm
  • Theo Khung Giá (Trading Range): Giá có thể tích luỹ nếu đang ở điểm bắt đầu chu kỳ, hoặc phân phối nếu đang ở đoạn cao nhất của chu kỳ.

Như chúng ta đã thấy, giá di chuyển trong các pha này theo đường đi của sóng.

1. Tích lũy: Đây là một phạm vi biến động của giá ở giữa đường kháng cự và hỗ trợ, tại đây nhà giao dịch chuyên nghiệp sẽ tiến hành mua gom cổ phiếu một cách cẩn thận và khéo léo, mà không làm giá tăng. Điều này dẫn đến khi ở giai đoạn tích lũy cổ phiếu thường không được các nhà đầu tư quan tâm.
2. Uptrend (markup): Đây là giai đoạn cổ phiếu đã kết thúc giai đoạn tích lũy và bắt đầu xu hướng uptrend. Tại thời điểm này, các nhà đầu tư nhỏ lẻ và công chúng bắt đầu phát hiện ra sự biến động giá, tuy nhiên giá họ mua sẽ cao hơn giá của những nhà giao dịch chuyên nghiệp đã mua trong giai đoạn tích lũy. Lúc này họ có thể bán một phần cổ phiếu của họ, hoặc nắm giữ và chờ đợi mức giá cao hơn.
3. Phân phối: Cuối cùng, xu hướng tăng kết thúc và thị trường bước vào giai đoạn phân phối, tại đó nhà giao dịch chuyên nghiệp bán phần cổ phiếu còn lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người vẫn đang kỳ vọng giá cao hơn.
4. Downtrend(Markdown): Xu hướng giảm sau giai đoạn phân phối. Đây là giai đoạn các nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu hoảng sợ và bán ra bằng mọi cách. 

Trong pha tích luỹ, các nhà giao dịch chuyên nghiệp mua tất cả các cổ phiếu trôi nổi được bán trên thị trường. Bằng nhiều thủ thuật, khi họ xác định chắc chắn không còn nguồn cung trôi nổi trên thị trường, họ bắt đầu đẩy giá vào pha có xu hướng tăng. Pha có xu hướng này đi theo con đường ít kháng cự nhất. Các nhà giao dịch chuyên nghiệp đã xác nhận chắc chắn họ không gặp phải nhiều kháng cự (phía cung) ngăn cản giá trong quá trình leo lên các đỉnh mới cao hơn. Khái niệm này rất quan trọng vì cho đến khi họ chứng minh được con đường giờ đây rộng thênh thang (không còn người bán), họ sẽ không bắt đầu đẩy giá tăng; mà thay vào đó, họ tiến hành thủ thuật kiểm tra hết lần này đến lần khác. Trong trường hợp nguồn cung còn quá lấn lướt, con đường ít kháng cự nhất sẽ là giảm giá, và giá lúc này chỉ có thể rơi xuống mà thôi.

Trong xu hướng tăng, cầu của bên mua mạnh mẽ và năng động hơn cung của bên bán. Tại thời điểm này, có sự tham gia của những tay chơi lớn (người luôn có lợi thế về thông tin) và công chúng (nhu cầu của nhóm này đẩy giá cổ phiếu tăng lên). Chuyển động tăng giá sẽ tiếp tục cho đến khi người mua và người bán thấy rằng giá đã đạt đến một mức đáng chú ý; theo đó người mua thấy tốt hơn nên đóng vị thế (chốt lãi) và người bán sẽ nhìn thấy lúc này nên bắt đầu bán khống.

Thị trường lúc này đã vào pha phân phối. Mức kháng cự (hay mức trần) của thị trường sẽ được hình thành và người ta cho rằng các tay chơi lớn đang hoàn tất quá trình phân phối (tức bán cổ phiếu mà họ đã mua trước đó). Những người mua tham lam cuối cùng tham gia vào công cuộc mua, đồng thời những tay chơi lớn có nhiều thông tin tham gia vào công cuộc bán.

Khi họ đánh giá con đường ít kháng cự nhất giờ đây là giảm giá, giá sẽ bắt đầu đi vào pha giảm giá. Nếu họ thấy cầu vẫn hiện diện và chưa thấy dấu hiệu từ bỏ, giá kháng cự lại việc giảm xuống, thì khi đó chỉ còn một con đường duy nhất: tăng giá. Nếu giá tiếp tục tăng sau một giai đoạn tạm ngừng, thì cấu trúc này được xác định là pha tái tích luỹ. Điều tương tự cũng đúng với trường hợp giảm giá: nếu giá đang ở trong xu hướng giảm và có một đợt hồi phục tạm thời trước khi tiếp tục giảm, thì chuyển động giằng co đó sẽ định hình nên pha tái phân phối.

Trong quá trình giảm giá, cung của người bán sẽ mạnh mẽ hơn so với cầu của người mua, vì thế chỉ có thể kỳ vọng giá giảm xuống.

Việc xác định giá đang ở giai đoạn nào của chu kỳ giá là một lợi thế to lớn. Biết được bối cảnh thị trường chung giúp chúng ta tránh được việc đứng sai vị trí trên thị trường. Điều này có nghĩa nếu thị trường đang ở pha tăng giá sau cấu trúc tích luỹ, chúng ta cần tránh việc bán khống và nếu thị trường đang ở trong pha giảm giá sau phân phối, chúng ta sẽ tránh việc mua. Có thể bạn không biết cách tận dụng xu hướng, nhưng chí ít với kiến thức này trong đầu, bạn chắc chắn sẽ tránh được thua lỗ bằng cách không giao dịch ngược xu hướng chính. 

Khi giá đang ở pha tích luỹ hoặc xu hướng tăng, ta chỉ nên ở trong vị thế mua, và khi giá ở pha phân phối hoặc xu hướng giảm, chỉ nên thực hiện vị thế bán. Khi xu hướng không rõ ràng, tức không có chiến lược phân phối hoặc tích luỹ, tốt nhất nên ở vị thế trung lập.

Một chu kỳ được xem là hoàn tất khi tất cả các giai đoạn của chu kỳ đều xuất hiện: tích luỹ, xu hướng tăng, phân phối, và xu hướng giảm. Chu kỳ hoàn chỉnh này xảy ra ở nhiều khung thời gian. Biểu đồ về tích lũy và phân phối giống như một tấm bản đồ chỉ đường. Khi tín hiệu dừng lại của một xu hướng tăng, chúng ta sẽ đứng trước hai con đường: Một là tích lũy lại rồi tiếp tục xu hướng uptrend hoặc là phân phối để chuẩn bị cho xu hướng downtrend. Lúc này để chọn được con đường đi bạn sẽ phải sử dụng chúng như một tấm bản đồ đề định hướng. Chỉ cần bạn quan sát các tín hiệu và so sánh với biểu đồ sau đó xác định đây là giai đoạn tích lũy lại hay phân phối để đưa ra quyết định phù hợp. Đây là cách tốt nhất cho bạn. Các sơ đồ này cung cấp cho bạn các giai đoạn trong vùng tích lũy hoặc phân phối, điều rất quan trọng đối với các nhà giao dịch dày dạn kinh nghiệm.

TỔNG HỢP VÀ BIÊN SOẠN – NGÂN HÀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

097 566 1281