Tôi gần như chẳng bao giờ đọc thêm một cuốn sách kinh doanh nào nữa. Nhiều năm trước tôi đã nhồi nhét vô số những cuốn sách kiểu ấy khi còn là chuyên viên tư vấn quản trị trước khi quay trở lại trường và lấy bằng tiến sĩ. Thế nhưng, tuần trước, tôi đã cầm cuốn Good to Great (Từ tốt đến vĩ đại) của Jim Collins.
Cuốn sách này quả đúng là một hiện tượng trong giới xuất bản. Từ khi ra mắt vào năm 2001, đã có hàng triệu bản được bán ra. Và hiện cuốn sách vẫn bán được hơn 300 nghìn bản mỗinăm. Cuốn sách thành công đến nỗi bảy năm sau khi ra đời nó vẫn được bán dưới dạng bìa cứng. Tôi đã nghe nói về nó suốt nhiều năm nhưng chưa bao giờ liếc mắt qua. Mọi người luôn hỏi tôi về nó. Tôi đoán đã đến lúc tôi nên ngó qua xem sao.
Cuốn sách tập trung vào 11 công ty làm ăn bình thường và rồi sau đó tự chuyển mình thành những công ty lớn – ở đây lớn được định nghĩa là có một giai đoạn bền vững lâu dài, trong đó cổ phiếu của công ty có giá trị vượt lên hẳn so với thị trường và các đối thủ cạnh tranh. Những công ty này không chỉ chuyển dịch thành công từ chỗ tốt lên vĩ đại mà còn có những kiểu đặc điểm khiến họ có thể “xây dựng để trường tồn” (đây là tựa cuốn sách trước đó của Collins).
Điều mỉa mai là tôi bắt đầu đọc cuốn sách này đúng ngày Fannie Mae, 1 trong 11 công ty “từ tốt đến vĩ đại” đó, trở thành tít đầu trên các tờ báo kinh doanh. Có vẻ như Fannie Mae sẽ cần chính quyền liên bang giải cứu. Nếu bạn mua cổ phiếu của Fannie Mae trong thời gian cuốn Từ tốt đến vĩ đại ra đời, thì giờ bạn sẽ mất hơn 80% giá trị khoản đầu tư ban đầu của mình. Một công ty “từ tốt đến vĩ đại” khác là Circuit City. Bạn cũng sẽ mất một khoản đáng kể nếu đầu tư vào Circuit City, cổ phiếu của công ty hiện cũng giảm giá ít nhất là 80%. 9 trong số 11 công ty ít nhiều vẫn còn nguyên vẹn. Trong số những công ty này, Nucor là công ty duy nhất có hoạt động vượt trội hơn hẳn so với thị trường kể từ khi cuốn sách ra mắt bạn đọc. Abbott Labs và Wells Fargo thì hoạt động tàm tạm. Nói chung, danh mục các công ty “từ tốt đến vĩ đại” trông có vẻ đã hoạt động kém hiệu quả so với nhóm S&P 500(47). Tôi nhớ không nhầm thì ai đó đã tiến hành phân tích những công ty được nêu bật trong cuốn sách kinh điển của Peters và Waterman, Kiếm tìm sự hoàn hảo(48) và cũng nhận thấy điều tương tự.
Toàn bộ điều này có nghĩa là gì? Ở một mức độ nào đó thì không nhiều lắm. Những cuốn sách kinh doanh này gần như đều có nội dung mang tính nhìn lại: Các công ty đã làm gì để thành công như vậy? Tương lai luôn khó đoán và hiểu quá khứ là việc nên làm; mặt khác, thông điệp ngầm ẩn trong những cuốn sách kinh doanh này là các nguyên tắc mà các công ty sử dụng không chỉ khiến các công ty hoạt động tốt trong quá khứ, mà còn đặt các công ty vào những vị trí gặt hái các thành công tiếp nối về sau. Vì điều này thực ra không đúng, nên chúng ta cần đặt dấu chấm hỏi đối với tiền đề cơ bản của những cuốn sách như thế này, đúng không nhỉ?
Bài viết này được xuất bản năm 2008. Khi tôi viết bài này, Fannie Mae đang giao dịch ở mức 2 đô-la một cổ phiếu, giảm mạnh từ mức gần 80 đô-la năm 2001, còn Circuit City thì đã phá sản. Các công ty còn lại trong nhóm “từ tốt đến vĩ đại” đã cho thấy những kết quả lẫn lộn từ năm 2008. Một số tăng mạnh (Kroger và Kimberly-Clark), số khác thì rớt giá thảm hại(Pitney Bowes và Nucor)trong khi hai công ty khác – Gillette và Walgreens – thì gia nhập lực lượng với các tập đoàn lớn (Procter & Gamble và Boots) và chưa có thành công đáng kể nào.
Bài viết của Steven D. Levvit & Stepphen J. Dubner