THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH LÀ THẾ GIỚI CONG

Thị trường tài chính là thế giới cong. Chúng ta không thể nhìn qua đường chân trời. Kết quả là tầm nhìn của chúng ta bị thu hẹp lại. Cứ như thể là chúng ta buộc phải đi trên một con đường dài vô tận với đầy những ngã rẽ và những khúc quanh nguy hiểm cùng với những thung lũng dựng đứng, những dãy núi hiểm trở. Chúng ta không thể nhìn thấy gì ở phía trước. Chúng ta luôn luôn bị bất ngờ, và đó là lý do tại sao thế giới đã trở thành một nơi nguy hiểm”.

Xét về nền tảng, các thị trường tài chính luôn luôn bị phá rối bởi thông tin không đầy đủ và không chắc chắn. Luôn có những thứ mà các nhà đầu tư và các thương nhân không biết và không thể biết. Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu mới, đại dương thanh khoản toàn cầu bất ổn này không chỉ làm gia tăng số lượng những điều không biết mà còn sắp xếp lại các mối quan hệ và tầm quan trọng tương đối của chúng. Có những nhà đầu tư mới với những viễn cảnh mới. Đột nhiên, hàng loạt các quỹ trên khắp thế giới cạnh tranh với nhau để giành lấy các cơ hội đầu tư. Các chủ ngân hàng, các thương gia, và các chính phủ trong các nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đang cạnh tranh với các chủ doanh nghiệp, những người mới khởi nghiệp và các công ty quốc doanh cũ trong các nền kinh tế mới nổi để thu hút những nguồn quỹ này. Với các loại nợ được chứng khoán hóa, các khoản đầu tư vào vốn trung gian (mezzanine investing [1] ), và các công cụ tài chính vô cùng phức tạp, việc chỉ ra chuyện gì đang xảy ra tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào là điều gần như không thể thực hiện được. Các nhà đầu tư cần các loại thông tin mới để đưa ra được những quyết định sáng suốt. Tuy nhiên những loại thông tin đó chính xác là gì? Và họ thu thập những thông tin đó ở đâu?

Thị trường tài chính luôn luôn hoạt động trong sự bất bình đẳng về thông tin và phân tích. Bạn nghĩ hay biết điều này. Tôi nghĩ hoặc biết điều khác. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách và các thương nhân ngày nay phải phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào bản năng gan góc của mình. Sân chơi lớn hơn, tiền góp vốn đầu tư cao hơn và hệ thống kinh tế đã trở nên mong manh dễ vỡ đến không thể tin được do quy mô và độ phức tạp của nó. Đó là một kế hoạch bấp bênh mà có thể sụp đổ vì bất kỳ lý do nào. Điều đó chưa chắc sẽ xảy ra, nhưng các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách cần phải thận trọng. Họ cần phải bắt đầu quan tâm đến những thứ mà trước đây chưa bao giờ làm họ bận tâm.

Cuốn sách của Friedman (Thế giới phẳng) đã thể hiện thành công phần đầu của câu chuyện toàn cầu hóa, nhưng vẫn còn một phần thứ hai – khía cạnh tài chính của nó. Đó là khía cạnh cho vay dưới chuẩn, chẳng hạn như một ngôi làng nhỏ của Na Uy thuộc vùng Bắc Cực có thể nhìn thấy toàn bộ tương lai tài chính của nó bị hủy hoại bởi vì các nhà quản lý tài chính đã đầu tư quá nhiều vào một sản phẩm của Citigroup được gọi là giấy nợ đảm bảo bằng tài sản (collateralized debt obligation – CDO). Khi thị trường nhà đất phía bên kia đại dương tại Florida và California sụp đổ thì các khoản nợ thế chấp cũng hỏng theo và những ngôi làngở Na Uy đã phải đóng cửa các trường mẫu giáo và dừng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Tất nhiên, thế giới sẽ không đưa ra một áp lực mạnh mẽ nào nhằm chấm dứt hệ thống hiện tại như chúng ta biết. Các thị trường tài chính của thế giới công nghiệp đã lưu trữ quá nhiều quyền lực chính trị để ngăn điều đó xảy ra. Các cuộc đảo chiều khó có thể bắt nguồn từ một sự thay đổi chính sách được tính toán trước và rõ ràng. Thay vào đó, giống như cái chết từ một nghìn vết cắt, các cuộc đảo chiều này bắt nguồn từ một loạt những thay đổi nhỏ có vẻ như vô hại, nhưng lại bất ổn một cách đáng lo ngại. Những thay đổi này đã đạt đến một điểm bùng phát đáng kinh hãi của nỗi lo sợ và sự bất ổn của thị trường. Đó là những gì xảy ra trong suốt cuộc khủng hoảng dưới chuẩn và ngày hôm nay chúng ta đang có nguy cơ tiếp tục chìm sâu vào những tai họa tài chính, điều đang đe dọa liên tục gây ra vòng luẩn quẩn của những hủy diệt và những đau khổ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

097 566 1281