NHỮNG PHI VỤ GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH LỚN NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

Mỗi năm, hơn 30 triệu người tiêu dùng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo đầu tư. Khoản lỗ trung bình của một nhà đầu tư là 15.000 USD, với khoản lỗ cá nhân lên tới hàng triệu USD. 

Vậy tại sao nhiều nhà đầu tư bị lừa? Bởi vì bản chất của gian lận đầu tư là không gây ra bất kỳ nghi ngờ nào. Lợi nhuận cao và nguồn tài chính tưởng chừng hợp pháp có thể không bị phát hiện trong nhiều năm.

  1. Vụ bê bối thế kỷ 1MBD ở Malaysia:

1MDB được thành lập để đẩy mạnh các sáng kiến chiến lược phát triển kinh tế lâu dài cho đất nước, bằng cách thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Malaysia. 

Đầu tiên, 1MDB sử dụng vốn sai mục đích nhiều lần, nổi bật là các thương vụ đầu tư vào bộ phim nổi tiếng “The Wolf of Wall Street”, mua bức tranh “Dusthead” của họa sĩ người Mỹ Jean-Michel Basquiat, mua siêu du thuyền Equanimity (đã bị bán lại cho sòng bạc Genting Malaysia vào đầu năm 2019 với giá 126 triệu USD)… Rõ ràng, với mục đích phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, việc sử dụng tiền để thực hiện những thương vụ nêu trên là hoàn toàn phục vụ những mục đích cá nhân của những người đứng đầu quỹ, thay vì lợi ích của người dân Malaysia.

Sự minh bạch của quỹ này cũng là một dấu hỏi lớn, khi vào năm 2010, khoản lợi nhuận 425 triệu Malaysia ringgit được các đảng đối lập đánh giá là do chính phủ “bơm” vào thông qua việc chuyển nhượng các quyền sử dụng đất, chứ không phải nhờ các hoạt động đầu tư thành công mà ra. Năm 2013, 1MDB xin gia hạn thêm 6 tháng để gia hạn báo cáo tài chính hàng năm; đồng thời quỹ cũng thay đổi tới 3 công ty kiểm toán kể từ khi thành lập càng làm tăng sự nghi ngờ về việc hoạt động lành mạnh của quỹ này.

Cuối cùng và cũng là phần quan trọng nhất của vụ bê bối này, đó là việc quỹ 1MDB thuê ngân hàng Goldman Sachs huy động cho họ 6.5 tỷ USD từ trái phiếu để lấy tiền phục vụ cho các mục đích đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trong đó có Bandar Malaysia – một dự án tích hợp thương mại, công nghệ cao và môi trường xanh.

Các công tố viên của Malaysia cáo buộc Goldman Sachs đã đưa ra những thông báo không đúng sự thực nhằm lừa dối nhà đầu tư để có thể thực hiện phát hành trái phiếu và bán chúng ra một cách trót lọt. Najib Razak bị bãi nhiệm và đối mặt với 42 cáo buộc hình sự liên quan đến việc lợi dụng quỹ 1MDB để làm giàu cho bản thân, mà rõ ràng nhất là số tiền lên tới 680 triệu USD (tương đương 3 tỷ Malaysia ringgit) được chuyển vào tài khoản của ông này.

  1. Bê bối kế toán của Enron: Thiệt hại ước tính 74 tỷ USD

“Gã khổng lồ năng lượng” của vùng Texas, Hoa Kỳ thành lập vào năm 1985, đến năm 2000 đạt doanh thu lên đến gần 111 tỷ USD. Với sự phát triển thần kỳ, 6 năm liên tục Enron vinh dự được tạp chí Fortune xếp hạng là “Công ty sáng tạo nhất nước Mỹ”. Nhưng đến năm 2011, tất cả danh tiếng của tập đoàn này đã hoàn toàn sụp đổ. Hàng loạt gian lận trong kế toán của Enron đã bị đưa ra ngoài ánh sáng.

Arthur Andersen, một trong “năm đại gia kiểm toán lớn nhất thế giới”, năm 2002 vì vướng phải vụ bê bối kiểm toán với Enron đã phải nộp lại giấy phép hành nghề. Bản thân Enron phải nộp đơn xin phá sản cuối năm 2011, trở thành vụ phá sản lớn nhất Hoa Kỳ cho đến thời điểm đó với con số khổng lồ 63,4 tỷ USD. 85.000 nhân viên của họ trở thành thất nghiệp.

  1. Gian lận kế toán của WorldCom: Thiệt hại ước tính 107 tỷ USD tài sản ròng

Từng là công ty viễn thông đường dài lớn thứ 2 ở Mỹ, WorldCom đã có những bước phát triển thần tốc, chủ yếu thông qua các thương vụ thôn tính những công ty viễn thông khác để mở rộng quy mô. Trong những năm 1990, doanh nghiệp này đã thực hiện khoảng 60 vụ mua lại, có đến 80.000 lao động và đạt giá trị thị trường tới 180 tỷ USD.

Tuy vậy, đến đầu thế kỷ 21, khi viễn thông ở Mỹ bắt đầu hạ nhiệt, WorldCom lâm vào nợ nần sau những vụ vung tay thôn tính, mua lại. CEO Bernard Ebbers đã dùng những biện pháp mở ám để gian lận kế toán, che giấu tình trạng tài chính suy yếu, giả mạo tăng trưởng để nâng giá cổ phiếu. Năm 2005, công ty tuyên bố phá sản sau khi tòa án New York xác nhận ông Ebbers gian lận sổ sách số tiền lên đến 11 tỷ USD và bị phạt 25 năm tù. Đây là trường hợp phá sản lớn nhất ở Mỹ cho đến thời điểm đó.

  1. Gian lận kế toán của Olympus: Thiệt hại ước tính 1,7 tỷ USD

Olympus là tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị quang học và hình ảnh như máy ảnh, ống kính, kính hiển vi, ống nhòm. Tháng 10 năm 2011, Olympus thừa nhận đã sử dụng một loạt các thương vụ mua lại nhằm che giấu kết quả làm ăn thua lỗ của họ, đồng thời làm giả nhiều báo cáo tài chính.

Đây là một trong những vụ scandal tài chính lớn nhất và chịu nhiều tai tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản, ‘thổi bay’ đến 80% giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này. Rất nhiều nhân sự chủ chốt trong ban lãnh đạo công ty đã phải từ chức, các cuộc điều tra được mở ra ở Nhật, Anh và Mỹ đã bắt giữ 11 cán bộ cấp cao của Olympus. Năm 2012, 2700 nhân viên của họ bị sa thải vì công ty chịu cảnh lao đao.

  1. Toshiba gian lận kế toán

Tập đoàn Toshiba đã phù phép khai khống một khoản tài chính ảo lên tới 151,8 tỷ yên (1,3 tỷ USD). Vụ việc này lớn đến nỗi chỉ xếp sau vụ làm xiếc của tập đoàn Olympus năm 2011 làm biến mất gần 1,7 tỷ USD.

Năm 2016, Toshiba, đế chế công nghệ khổng lồ của Nhật, bị truy tố ra tòa sau vụ gian lận kế toán 1,3 tỷ USD. Theo cáo trạng, công ty này đã gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư khi hạ thấp chi phí vận hành và thổi phồng lợi nhuận từ năm 2008. Vụ việc khiến hàng loạt nhà đầu tư đâm đơn kiện đòi Toshiba bồi thường thiệt hạn 162,3 triệu USD. Giữa lúc bê bối này chưa được giải quyết, công ty Nhật lại đối mặt với một cuộc điều tra khác liên quan bộ máy lãnh đạo, trong đó công ty bị phát hiện đã sa thải 14.000 nhân viên, bán mảng kinh doanh y tế và bán linh kiện máy tính cho các công ty lắp ráp với giá cắt cổ.

  1. Scandal thao túng lãi suất Libor: Thiệt hại ước tính 9 tỷ USD tiền phạt

Giữa năm 2012, một trong Tứ đại gia ngân hàng của Vương quốc Anh là Barclays đã bị vạch trần hành vi thao túng tỷ giá lãi suất liên ngân hàng Libor. Đây là lãi suất tại đó các nhà băng có thể vay mượn tiền từ các nhà băng khác trên thị trường liên ngân hàng London, là một chỉ số rất quan trọng giúp đánh giá độ an toàn của các tổ chức tài chính.

Barclays thừa nhận đã gửi thông tin lãi suất thấp hơn thực tế cho Hiệp hội các ngân hàng Anh để tác động lên lãi suất Libor theo hướng có lợi cho họ. Các sản phẩm tài chính trị giá cả nghìn tỷ USD trên khắp thế giới đã bị định giá sai lệch vì hành vi trên. Vụ gian lận tài chính này khi bị phanh phui đã vượt ra khỏi biên giới nước Anh, Barclays và một số ngân hàng khác buộc phải trả những khoản tiền phạt khổng lồ trong hàng năm trời.

  1. Bê bối kế toán của Health South: Thiệt hại ước tính 4 tỷ USD

Tập đoàn Health South thành lập năm 1984, có hàng nghìn bệnh viện, phòng khám cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tất cả các bang của Mỹ và có tại các quốc gia Anh, Canada, Australia, Puerto Rico và Saudi Arabia. Đây từng là công ty được niêm yết lớn nhất trong lĩnh vực sức khỏe ở Mỹ.

Năm 2003, nhà sáng lập kiêm CEO Richard Scrushy, cùng nhiều quan chức lãnh đạo của Health South rơi vào vụ bê bối tài chính quy mô lớn. Ông Scrushy đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền, sửa chữa phóng đại các số liệu doanh thu, lợi nhuận trong số sách kế toán để che mắt các nhà đầu tư. Số liệu thổi phồng lên đến 2,5 tỷ USD từ năm 1999.

  1. Gian lận tài chính ở Tyco International: Thiệt hại ước tính 3 tỷ USD

Tyco International là một tập đoàn nổi tiếng của Hoa Kỳ hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực triển khai hệ thống an ninh bảo mật và phòng cháy chữa cháy. Sau khi đạt được doanh thu hàng tỷ USD, đầu những năm 2000, Tyco thực hiện một loạt các thương vụ mua bán, sát nhập, chia tách rất phức tạp, gây nên những thiệt hại nặng nề.

Cuối năm 2004, 2 nhân vật hàng đầu của họ là chủ tịch Dennis Kozlowski, và giám đốc tài chính Mark Swartz bị tòa án Liên bang Mỹ buộc tội thực hiện nhiều hoạt động bất hợp pháp như gian lận chứng khoán, sai lệch sổ sách kế toán, gây thất thoát lãng phí hết sức nặng nề. Họ còn sử dụng công ty như một ‘ngân hàng riêng’, rút 600 triệu USD sử dụng vào mục đích riêng.

  1. Scandal sổ sách chứng từ tại Parmalat: Thiệt hại ước tính 11 tỷ USD

Parmalat là một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất tại Italy, từng đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm nhờ bán các sản phẩm trái cây, sữa, bánh quy ở hàng chục nước khắp nơi trên thế giới. Tháng 12/2003, tập đoàn thực phẩm này xảy ra vụ bê bối thuộc loại lớn nhất ở châu Âu khi các công tố viên Ý tố cáo họ đã giả mạo sổ sách để che đậy khoản lỗ lên đến 20 tỷ USD.

Nhà sáng lập kiêm CEO Calisto Tanzi còn biển thủ của công ty khoảng 800 triệu USD, cuối cùng đã phải ngồi tù 10 năm. 1 loạt các giám đốc tài chính và nhiều nhân sự chủ chốt khác cũng bị vướng vòng lao lý. Scandal này gây rúng động cả nước Italy, còn Parmalat bị gọi là “Enron của châu Âu”.

  1. Chuỗi cà phê Lunkin Coffee tại Trung Quốc

Chỉ mới được thành lập năm 2017 tại Bắc Kinh, chuỗi cà phê Lunkin Coffee đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng vô cùng nhanh. Tới năm 2020, số lượng các cửa hàng của công ty này thậm chí còn vượt qua cả chuỗi cà phê đình đám Starbucks.

Tuy nhiên sau đó, lợi nhuận của công ty bị lộ ra là đã bị bơm thêm 310 triệu USD cho năm tài chính 2019. Giá cổ phiếu của công ty sụt giảm nghiêm trọng và nhiều giám đốc điều hành của công ty đã bị sa thải trong khi giao dịch của công ty bị đình chỉ. Sau khi bị hủy giao dịch trên sàn NASDAQ, vào tháng 2/2021, công ty nộp đơn xin phá sản cùng với thừa nhận rằng hơn 25% hoạt động kinh doanh của mình là giả mạo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

097 566 1281