NHỮNG BÊ BỐI GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC TẬP ĐOÀN LỚN VIỆT NAM

  1. Cổ phiếu TTF – Gỗ Trường Thành và hậu quả của gian lận kế toán

Từng là doanh nghiệp đầu ngành của sản xuất và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Trước năm 2010, TTF vay nợ rất nhiều để kinh doanh gỗ TEAK ( một loại gỗ cao cấp). Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế, xu hướng tiêu dùng chuyển sang phân khúc trung bình. TTF sa lầy trong các khoản nợ và hàng tồn kho. Năm 2011-2012, các khoản nợ phải trả gấp 4 lần vốn chủ sở hữu. Công ty đứng trước nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, cuộc tái cơ cấu cuối năm 2013 đem lại hy vọng cho TTF. Với một loạt các biện pháp được đưa ra như phát hành cổ phiểu dưới mệnh giá, bán nợ xấu, được ngân hàng xoá lãi vay. Cùng với việc một công ty con của Vingroup mua lại 49,9% cổ phần và 1200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Bất ngờ, vào ngày 19/07/2016, cổ đông của TTF nhận được thông báo Công ty Đầu Tư Xây Dựng Tân Liên Phát ( công ty con của Vingroup) tạm dừng chuyển đổi khoản vay trị giá 1200 tỷ đồng do phát hiện một số “sai lệch nghiêm trọng” giữa thông tin, số liệu được công bố.

Công ty kiểm toán E&Y phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng của TTF: một khoản thiếu hụt của hàng tồn kho lên đến 980 tỷ đồng so với những gì công ty đã báo cáo và khoản dự phòng khó đòi ngắn hạn của TTF được điều chỉnh lên mức 258 tỷ đồng. Từ đó lỗ luỹ kế sau khi kiểm toán của TTF đã chuyển từ lãi thành lỗ hơn 1000 tỷ trong quý 2 năm 2016, trong khi quý trước lãi 54 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu của TTF đã rơi 12 phiên liên tiếp sau khi có tin Tân Liên Phát sẽ không chuyển nhượng khoản vay thành cổ phiếu. Cụ thể giá cổ phiếu đã giảm một mạch từ giá 43.600 đồng xuống còn 17.300 đồng.

Sau sự kiện làm chấn động các nhà đầu tư này diễn ra, Gỗ Trường Thành có những biến động lớn về nhân sự khi ông Võ Trường Thành từ nhiệm vị trí Tổng Giám Đốc, 2 thành viên HĐQT là ông Phương Xuân Thuỵ và ông Trần Việt Anh đã bị miễn nhiệm.

Như vậy sau khoảng 20 năm thời kỳ hoàng kim của một đế chế ngành gỗ Việt Nam, ông Võ Trường Thành đã phải ngậm ngùi rời khỏi chính nơi mình gây dựng và phát triển. Tuy nhiên sự kiện này cũng chính là một bài học to lớn cho các nhà đầu tư, việc đọc và phân tích báo cáo tài chính là một bước rất quan trọng để bảo vệ khoản đầu tư của mình.

  1. Tập đoàn FLC và những con số ảo diệu trên báo cáo tài chính

Năm 2020 có thể là một năm “đại hạn” của FLC khi hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt “niềm tự hào” của FLC và tỷ phú Trịnh Văn Quyết là Bamboo Airways cũng đang phải chịu thua lỗ lớn. Nếu tính thêm các khoản chi phí khác như chi phí tài chính, chi phí quản lý và chi phí bán hàng liên quan đến mảng dịch vụ này, thì khoản lỗ của FLC có thể lên đến khoảng 4.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, như phép thần kỳ, quý 3-2020 tình hình kinh doanh của FLC được cải thiện với lợi nhuận sau thuế đạt 287 tỉ đồng. Bí ẩn sau sự đảo chiều bất ngờ này chính là khoản doanh thu tài chính được thuyết minh là “doanh thu tài chính khác” lên đến 1.572 tỉ đồng. Trong đó, 1.343 tỉ đồng là phát sinh trong quý 3. Cùng kỳ năm trước, FLC cũng ghi nhận “doanh thu tài chính khác” lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.

Như vậy, dù hoạt động kinh doanh chính thua lỗ nhưng FLC vẫn có “đũa thần” là các khoản thu nhập tài chính bất ngờ cứu vãn. Tuy nhiên, nguồn gốc thu nhập tài chính khác này thường không được thuyết minh một cách rõ ràng.

Lần tìm trong báo cáo tài chính của FLC thấy danh mục công ty con và công ty liên kết của FLC từ đầu năm đến cuối tháng 9 gần như không có sự thay đổi. Như vậy, khoản thu nhập bất thường này không đến từ công ty con mà đến từ công ty “cháu”. Thực vậy, thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, FLC đã thoái toàn bộ vốn khỏi FLC Faros và FLC Travel. Phải chăng đây chính là nguồn gốc lợi nhuận thần kỳ của FLC.

Bí ẩn của FLC chưa dừng lại ở đó khi trên bản báo cáo tài chính còn rất nhiều con số không được thuyết minh một cách rõ ràng. Cụ thể, khoản phải thu do phát sinh việc bán cổ phần trong quý 3 lên tới hơn 1.300 tỉ đồng nhưng không rõ đối tượng nợ. Khoản phải thu khác 2.267 tỉ đồng cũng không được thuyết minh một cách chi tiết.

Đặc biệt, công ty cũng có một khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới 3.533 tỉ đồng cũng được thuyết mình là “khác”. Như vậy, tổng cộng khoản phải thu ngắn hạn khác của FLC lên đến gần 7.000 tỉ đã không được thuyết minh rõ ràng trong báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, các khoản “khác” từ khoản mục “Trả trước cho người bán ngắn hạn, phải thu về cho vay, phải thu khác” cũng lên tới hơn 6.000 tỉ đồng.

Tương tự như vậy, phần nguồn vốn FLC cũng có khoản phải trả khác rất lớn. Cụ thể, trong nợ ngắn hạn khoản phải trả, phải nộp khác lên đến 3.085 tỉ đồng; phải trả, phải nộp dài hạn khác lên tới 943 tỉ đồng. Những khoản “khác” không được thuyết minh rõ ràng chiếm gần 50% nợ của FLC.

Thời gian qua, FLC liên tiếp vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Theo FLC, vụ việc Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt vào ngày 29/3/2022 đã ảnh hưởng tới hoạt động của tập đoàn, khiến FLC khó tìm được công ty kiểm toán đủ điều kiện, dẫn tới chậm công bố thông tin tài chính. Sau đó, 710 triệu cổ phiếu FLC đã bị hủy niêm yết khỏi HoSE. Sau đó, HNX đã chấp thuận đăng ký giao dịch gần 710 triệu cổ phiếu FLC trên UpCOM từ ngày 3/3, nhưng lập tức đình chỉ giao dịch với mã chứng khoán này.

  1. Tập đoàn HAG – hàng loạt vấn đề trên báo cáo tài chính và bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Tại báo cáo này, kiểm toán viên của E&Y còn nêu ra hàng loạt vấn đề đối với công ty do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Cụ thể, kiểm toán viên cho biết, vào ngày 31/12/2019, HAGL đã ghi nhận các khoản phải thu tồn đọng với gần 10.505 tỷ đồng, tăng so với mức 7.595 tỷ đồng cuối năm 2018.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán đã không thể thu thập đầy đủ bằng chứng để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng, do đó không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục này hay không và các ảnh hưởng nếu có trên báo cáo kết thúc 31/12/2019.

Ngoài ra, kiểm toán viên cũng chỉ ra HAGL đã giảm chi phí khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhưng lại không ghi nhận dự phòng thuế TNDN do việc HAGL đã áp dụng các nội dung mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 20/2017 mặc dù dự thảo này chưa được phê duyệt chính thức.

Theo đó, kiểm toán E&Y cho rằng, nếu HAGL ghi nhận chi phí thuế TNDN theo quy định hiện hành cho năm 2019 và không hoàn nhập chi phí thuế TNDN đã ghi nhận các năm trước đó, thì chỉ tiêu “chi phí khác” sẽ tăng với số tiền trên 335 tỷ đồng, chỉ tiêu “chi phí thuế TNDN hiện hành” sẽ tăng trên 147 tỷ đồng, chỉ tiêu “lỗ trước thuế” và “lỗ sau thuế” sẽ tăng với số tiền lần lượt là hơn 335 tỷ đồng và gần 483 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu “lỗ lũy kế” và chỉ tiêu “thuế và các khoản phải nộp Nhà nước” sẽ tăng cùng số tiền 483 tỷ đồng.

Ghi nhận trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2019, HAGL đã thoát lỗ luỹ kế với khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 291 tỷ đồng. Song nếu như hạch toán lại theo ý kiến nêu trên của kiểm toán viên thì HAGL vẫn đang lỗ luỹ kế 192 tỷ đồng.

Nêu ý kiến với báo cáo tài chính của HAGL, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh đến tình trạng nợ ngắn hạn của HAGL đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.016 tỷ đồng.

Khoản lỗ khác do HAGL đã thực hiện đánh giá các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cây cọ dầu, cao su vào chi phí do chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái. Trong năm, HAGL bị sụt giảm khoảng 2.147 tỷ đồng lợi nhuận gộp do doanh thu từ trái cây giảm. Tập đoàn này đã không còn hợp nhất doanh thu trái câu từ nhóm Công ty Đông Dương, Công ty cổ phần Cao su Trung Nguyên và doanh thu cung cấp dịch vụ cho thuê và dịch vụ khác từ khu phức hợp HAGL – Myanmar.

Bên cạnh đó, vào 8/8/2018, Thaco đã ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đánh dấu việc tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương. Theo đó, Thaco sở hữu 35% cổ phần của HAGL Agrico, tương đương 3.890 tỷ đồng và tiến hành thực hiện tái cơ cấu tài chính với các giải pháp là Thaco thông qua Công ty Đại Quang Minh mua lại và trả một số nợ thay cho HAGL Myamar 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, “Cõng” HAGL Agrico (HNG), Thaco Agri lỗ chồng lỗ. Sau hơn hai năm dồn lực vào HAGL Agrico, tình hình của HNG và chính Thaco Agri ngày một kém khả quan. HNG không những chưa thể xóa hết lỗ mà còn lỗ nhiều hơn và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết.

Trong khoảng một năm trở lại đây, cụm từ “thoát lỗ” được nhắc đến nhiều khi viết về Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) nhờ sản phẩm mới “Heo ăn chuối”, tận dụng nguồn sản phẩm chuối của chính tập đoàn mình làm thực phẩm nuôi heo để giảm bớt lượng chi phí nguyên liệu, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu rằng các mảng kinh doanh cốt lõi của HAGL có thực sự tốt như bầu Đức vẫn nói hay chỉ là “lãi trên sổ sách”? Thực chất, việc kinh doanh của tập đoàn này này đã dùng một vài thủ thuật kế toán trong báo cáo tài chính, biến những khoản lỗ nặng thành lãi lớn để che mắt các nhà đầu tư và đưa ra những lời hứa hẹn về mục tiêu lợi nhuận trong khi vẫn đang loay hoay xử lý các khoản nợ tồn đọng và cần nguồn vốn để thực hiện kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

097 566 1281