“Vụ sụp đồ thị trường chứng khoán năm 1929 không phải là một chuyện xưa nay hiếm. Các vụ như vậy thường xảy ra định kỳ 20 đến 30 năm một lần vì đó là khoảng thời gian của các sự kiện tài chính. Đó cũng là khoảng thời gian cần thiết cho những người mới gia nhập thị trường, hy vọng họ có vị thế mới tuyệt vời trong tương lai“.
– John Kenneth Galbraith
Vụ sụp đổ kinh hoàng năm 1929-
Từ cuối đông năm 1928 đến đầu xuân năm 1929, Livermore chính thức là nhà đầu cơ giá lên trên thị trường chứng khoán. Ông đang đợi thị trường đảo chiều để bán khống cổ phiếu. Kinh nghiệm dạy ông tốt nhất nên bán cổ phiếu sớm khi thị trường đang tăng mạnh, đặc biệt khi ông nắm giữ các dòng cổ phiếu dẫn dắt để bán tháo.
Mùa hè năm 1929, Livermore bắt đầu bán khống cổ phiếu trong khi thị trường vẫn đang tăng giá với thanh khoản đủ để khớp với lệnh bán của ông. Ông dễ dàng vay lại đủ số cổ phiếu đã bán khống vì thực tế mọi người làm giá tăng và nghĩ rằng bán khống là ngu xuẩn. Sự việc không thể tốt hơn: nền kinh tế lớn, tính linh động lớn và có dòng tiền khổng lồ cho giới kinh doanh vay.
Có nhiều tín hiệu cho thấy cuối cùng thị trường đã lên đến đỉnh. Tuy nhiên, thị trường không tăng vọt ngay lên điểm cực đại rồi giảm xuống. Không giống như các thị trường trước đây, nó vận động từ từ, không có dao động, giống như con tàu lớn đi trên đại dương nhưng thị trường có dấu hiệu cho thấy nó đã đến đỉnh điểm. Những dấu hiệu này Livermore đã quan sát thấy trước đây: các cổ phiếu dẫn đầu cạnh tranh lượng bán với nhau, làm cho không thể tạo ra mức giá cao mới; những người thông minh bán cổ phiếu cho những người dân có lòng tham vô hạn nhưng chưa đủ kiến thức về chứng khoán. Họ có thể là công nhân cơ khí, thợ cắt tóc, nhân viên bán giầy, các nhà vận chuyển giấy, các bà nội trợ và nông dân. Giao dịch trên thị trường của họ chiếm 10% khối lượng. Họ nghĩ rằng chiến thắng trên thị trường chứng khoán rất dễ; cứ đầu tư tiền là có lãi. Đây là một thời đại mới chưa từng có trong lịch sử – thời đại của sự thịnh vượng mãi mãi, với cách duy nhất: mua cổ phiếu và trở nên giàu có. Cổ phiếu vận động một chiều – đi lên, đi lên và đi lên. Đây là thời kỳ huy hoàng trong nền kinh tế và quan trọng hơn cả, bất kỳ ai cũng có thể tham gia.
Ông cũng quan sát những loại cổ phiếu dẫn đầu. Ông theo dõi khi giá của chúng ngừng tăng và dao động, không tạo ra được mức giá cao mới, giảm giá trở lại khi thị trường bán ra ồ ạt.
Sau đó thị trường biến động – cơn bão nổ ra.
Cơn đại hồng thủy nổ ra ngay khi phiên giao dịch bắt đầu. Trong 30 phút đầu tiên, một khối lượng cổ phiếu khổng lồ – 50.000 cổ phiếu của hãng Chrysler, General Electric, Interntional Telephone và Telegraph, và Standard Oil, đều bị bán hạ giá trên thị trường bởi các cá nhân và tổ chức giàu có, ở mức giá làm mọi người kinh ngạc. AT&T là cổ phiếu đã đạt được đỉnh điểm với mức giá 310 đô la/cổ phiếu vào mùa hè khi thị trường đang lên, nay phá vỡ thị trường giảm xuống 204 đô la/cổ phiếu và còn có xu hướng tiếp tục giảm. Cổ phiếu của tập đoàn Thép Mỹ trượt qua mức 190, 180, rồi 170 đô la và tiếp tục giảm. RCA, loại cổ phiếu được ưa chuộng nhất trước đây với mức 110, lúc này khó khăn lắm mới khớp lệnh được ở mức 26 đô la do dư cung khối lượng lớn. Nhiều nhà môi giới hoảng sợ và bán tháo cho khách hàng một cách thụ động, tạo thêm động lực khiến cho thị trường giảm giá theo hình xoáy trôn ốc.
Nhiều người trở nên mất trí. Các nhà đầu cơ yên lặng đứng nhìn trong nỗi kinh hoàng khi có người chạy gào thét như kẻ điên trên sàn các trung tâm giao dịch. Những người vẫn còn đứng lại giữa đám đông đang gào thét, điên cuồng thì hoảng loạn với ánh mắt sợ hãi, trầm ngâm như đang tìm kiếm điều gì.
Đến trưa, hơn 8 triệu cổ phiếu đã khớp lệnh, sự giận dữ bao trùm trên sàn giao dịch khi bản tin công bố kết quả giao dịch làm mọi người choáng váng. Ngay sau đó, Uỷ ban chứng khoán chính phủ tổ chức cuộc họp bí mật trong căn phòng nhỏ, đầy khói thuốc lá ở dưới tầng hầm của sàn giao dịch và lo lắng tranh luận khả năng tạm ngừng toàn bộ giao dịch cổ phiếu cho đến khi sự hoảng loạn lắng xuống.
Tất cả các bản tin buổi sáng hôm đó là một chuỗi những tin tức ngắn gọn đáng chú ý như: “ Uỷ ban dự trữ Quốc gia đang có phiên họp ở Washington với Bộ trưởng Mellon. Nội các đang họp. Tổng thống Hoover đang bàn bạc với Bộ trưởng Thương mại Lamont. Giám đốc các ngân hàng hàng đầu tập trung ở văn phòng của J.P.Morgan Jr. để thảo luận về tình hình đang ngày càng xấu đi”. Khi phạm vi khủng hoảng tài chính được xác định, 15 tỷ đô la giá trị cổ phiếu đã biến mất trong làn không khí mong manh, xoá sạch những đồng tiền tiết kiệm của các nhà đầu tư trên cả nước. Thiệt hại của họ chồng chất như núi. Nhiều nhà đầu tư đau tim khi có công ty bị phá sản . Các nhà đầu cơ thua lỗ nhảy lầu từ cửa sổ khách sạn hoặc đóng kín cửa và bật khí ga tự tử, hoặc uống thuốc độc, hoặc đơn giản là tự tử bằng súng. Trong sự sụp đổ đó, họ để lại lời nhắn cuối cùng với người thân: “Tất cả đã biến mất. Hãy nói với bọn trẻ rằng anh không thể trả được món nợ”.
Vụ sập sàn khủng khiếp với việc chứng khoán trên các sàn giao dịch của cả nước Mỹ sụt giảm hơn 1/3 giá trị và hàng loạt các sự kiện đau lòng mãi ám ảnh tâm trí của mọi thế hệ. Khi giấc mơ của hàng trăm hàng nghìn nhà đầu tư Mỹ – chủ yếu là những nhà đầu tư thuộc tầng lớp trung lưu như thư ký, trợ lý và doanh nghiệp nhỏ biến mất do bị phá sản với khoản tiền tiết kiệm cả đời. Vụ sụp đổ đã tàn phá nền kinh tế đất nước, giáng đòn tâm lý khủng khiếp. Hậu quả của nó vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hơn một thập kỷ sau.
William Klingaman, 1929: Năm sụp đổ.
Hôm sau, ngày thứ Ba đen tối còn tội tệ hơn: thị trường giảm 11,7% chỉ trong một ngày. Bản thân Livermore bị đổ lỗi cho vụ sập sàn. Thậm chí, tờ New York Times có bài báo cho rằng cuộc khủng khoảng trên thị trường chứng khoán là do những đợt bán khống liên tục với khối lượng lớn của ông gây ra. Một lần nữa, ông trở thành trung tâm của một bi kịch lớn và vợ ông bị đe dọa.
Các cuộc điện thoại liên tiếp gọi đến. Đích thân ông trả lời điện thoại. Ông bảo Dache chuyển các cuộc điện thoại nóng sang cho ông. Bên cạnh đó, có cả thư và điện tín đe dọa. Sau vài lần, ông ngừng trả lời điện thoại. Nhưng các cuộc điện thoại làm ông lo lắng về sự an toàn của ông cũng như gia đình ông.
Đối với Livermore, không có gì đáng buồn cười khi người khác đau khổ. Ông tự hỏi làm sao cuộc đời ông lại buồn thảm đến mức này. Đó là ngày ông thắng lợi lớn nhất và cũng là ngày ông cảm thấy cô đơn nhất trên thị trường.
Trích “Chết vì chứng khoán Jesse Livermore” – Richard Smitten